Tây
Sơn – Bình Định, Việt Nam là một địa danh lịch sử, văn hóa và võ thuật,
đây cũng chính là nơi phát tích của nhà Tây Sơn mà lịch sử đã ghi lại
những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung với một đội quân
tinh nhuệ, nhờ được luyện tập nhuần nhuyễn võ thuật. Vì vậy, không phải
ngẫu nhiên mà uy danh Võ Tây Sơn – Bình Định được nhiều người trong nước
và nước ngoài ngưỡng mộ.
Hiện nay, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thống kê có hằng trăm
võ phái, chi phái Võ cổ truyền đang phát triển trong nước, nếu không kể
các võ phái có nguồn gốc hoặc ảnh hưởng từ Chùa Thiếu Lâm, thì hầu hết
có nguồn gốc từ Tây Sơn – Bình Định.
Theo các sách viết về Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều môn phái, dòng
phái võ nhưng thường nghe nói đến là tiêu biểu miền Bắc có môn phái Nhất
Nam, miền Trung có môn phái Tây Sơn – Bình Định và miền Nam có môn phái
Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà. Theo thời gian phát triển đã dần đưa các môn
võ lan tỏa đi khắp nơi, kể cả vượt ra ngoài biên giới nước Việt.
Võ Nhất Nam còn có tên gọi là “Võ Hét [Héc]”, phát triển ở một số tỉnh
phía Bắc từ Nghệ An, Thanh Hóa và một vài vùng lân cận, nhất là tại Hà
Nội, sau có phát triển ra nước ngoài, chủ yếu ở Nga.
Võ
Tây Sơn – Bình Định phát triển mạnh trong nước và nước ngoài; trong
nước từ Bắc chí Nam; ở nước ngoài nhiều võ đường, võ phái hầu hết có
nguồn gốc Tây Sơn – Bình Định, tuy tên gọi võ đường, võ phái có thể khác
nhau nhưng đầu mối vẫn có từ “Miền Đất Võ” và những người ở nước ngoài
tự hào với Võ Việt Nam Tây Sơn – Bình Định. Võ Bình Định luôn luôn gắn
liền với tên đất, tên người ở đây: Roi Kinh, Quyền Bình Định. Roi Thuận
Truyền, Quyền An Vinh. Trai An Thái, Gái An Vinh.
Võ Tân Khánh – Bà Trà hay còn gọi là “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” là sự
phối hợp giữa “Đằng Ngoài” với “Đằng Trong”, đó chính là phát triển trên
nền tảng của Võ Tây Sơn – Bình Định, vì vậy từ kỹ thuật căn bản cho đến
các bài quyền, binh khí của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà ít nhiều mang dáng
dấp Võ Tây Sơn – Bình Định, có những bài giống nhau hoàn toàn. Theo Anh
Đức – Phan Vũ (Báo Thể thao & Văn hóa): Tại thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay có khoảng hơn 50 môn phái đang được giảng dạy tại các
trung tâm. Trong đó, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà chủ yếu được tập trung
giảng dạy ở Nhà Văn hoá Thanh Niên và Trung tâm Thể dục Thể thao Nhà Bè.
Trong hệ thống Võ cổ truyền, Tân Khánh Bà Trà là môn võ “có tiếng” nhất
ở khu vực phía Nam cùng với Kim Kê phái và các phái võ khác.
Hội
nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tổ chức từ
ngày 25/4 – 2/5 1993 tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, thành phố Hồ Chí
Minh đã quy tụ 23 đoàn, 50 Võ sư, Chuẩn võ sư. Hội nghị đã thảo luận về
Quy chế chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và tuyển chọn
các bài võ thống nhất dựa trên tinh hoa của các dòng võ, phái võ trong
cả nước. Dịp này, Võ sư Trần Văn Đẩu (Lê Đẩu), Võ phái Bích Quang –
Khánh Hòa (hiện đang định cư tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ) đã giới thiệu và
chính ông thị phạm bài Kim Ngưu quyền tại hội nghị.
Hội
nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ chín tổ chức từ
ngày 27/12 – 28/12/2007 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với 20
đoàn, 75 đại biểu về dự. Một lần nữa, Võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân
đời thứ tám Võ phái Bích Quang, trưởng Võ đường Bích Quang, Nhà Thiếu
nhi, tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu và đích thân thị phạm, được Hội nghị
bình chọn là bài quy định Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Từ đó
đến nay bài Kim Ngưu quyền đã được tập luyện trong các lớp tập huấn
chuyên môn toàn quốc tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng
Nam.
Võ
phái Bích Quang là một trong những dòng Võ cổ truyền Việt Nam có nguồn
gốc từ vùng Tây Bắc, kết hợp với tinh hoa Võ Tây Sơn. Cố Đại sư phụ Lê
Vũ (Lê Em) truyền dạy môn phái Bích Quang tại Nha Trang, Khánh Hòa từ
năm 1963. Thế hệ đệ tử đời thứ bảy là những người nổi tiếng trong giới
võ lâm Nha Trang như Lê Chi, Lê Hạng, Lê Thi, Lê Sửu, Lê Anh, Lê Đẩu
(Trần Văn Đẩu), Lê Trang, Lê Hùng…, hiện nay Võ sư Đoàn Đức Phứơc,
truyền nhân đời thứ tám, kế thừa tiếp tục phát triển.
Theo
tài liệu của Võ sư Đoàn Đức Phước, Võ phái Bích Quang: Kim Ngưu quyền
là một trong những bài thảo bộ nổi tiếng trong hệ thống các bài quyền
đặc trưng Võ cổ truyền Việt Nam thuộc dòng Võ Tây Sơn, bao gồm 17 liên
hoàn thế chiến đấu. Kỹ thuật Kim Ngưu quyền phong phú, đặc thù, thể hiện
nét văn hóa dân gian truyền thống, tượng hình muông thú và triết lý
nhân sinh qua ý nghĩa các câu thiệu Hán Việt. Ngoài lời thiệu Hán Việt,
Võ phái Bích Quang còn có bài phú Kim Ngưu quyền, lời lẽ văn chương bóng
bẩy, sâu lắng, ý nghĩa gần gũi với những người tập Võ cổ truyền Việt
Nam.
LỜI THIỆU KIM NGƯU QUYỀN
Lập tấn bái tổ,
Tam bộ cung kính,
Nhị bộ kính sư,
Đồng tử khai quyền,
Liệt địa đồ thành,
Kim ngưu chiếu giác,
Hường nghiệp dẫn thân,
Lão tổ nghênh tân,
Thiền sư tống khách,
Tiên ông tọa thạch,
Đồng tử đăng sơn,
Hạn quyển song quyền,
Thối khai lưỡng thủ,
Tung thiên lập trụ,
Hạ địa tầm châu,
Đảo thế hắc hầu,
Tùy cơ bạch hổ,
Tung hoành ngũ lộ,
Tấn hạng tam quan,
Bạch hạc tầm giang,
Kim kê độc lập,
Lập bộ như tiền.
BÀI PHÚ KIM NGƯU QUYỀN
Nằm trên mặt đất công thành,
Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng chiến chinh,
Hường nghiệp thoăn thoắt đôi quyền,
Lão tổ mến khách vội vàng bước lên,
Thiền sư quyết tiễn khách đi,
Tiên ông trở bộ về ngồi ngẫm suy,
Đứa trẻ mở lối trèo non,
Đôi quyền cuốn siết sách sao cho bằng,
Lui về rạch mở đôi bên,
Nhảy lên rơi xuống vững như cột đình,
Điểm tay xuống đất tìm châu,
Lui mình trở bộ thành hình khỉ đen,
Bung ra cọp trắng vồ mồi,
Dọc ngang năm hướng phá tan lũy đồn,
Ba phen vượt ải công thành,
Nhẹ nhàng như một cánh cò sang sông,
Gà vàng cất tiếng gáy vang,
Trở về bái tổ là đường xưa nay.
Giữa
dòng đời cuồn cuộn chảy, vật chất khuynh đảo lòng người, nhân tình
nghiêng ngả, thế sự phù trầm, đạo lý suy vi… Võ thuật cổ truyền Việt Nam
hiện nay tuy là hồn quê dân tộc nhưng sức bật vươn lên không trọn vẹn,
như có một vật cản vô hình nào đó làm chậm bước tiến chân của một môn võ
từng vào sinh ra tử theo dòng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc
Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét