Luyện võ không đơn thuần là rèn luyện sức khỏe, rèn luyện kĩ thuật chiến đấu mà còn rèn luyện tinh thần thép, rèn cho ta có khả năng dám đương đầu với mọi mối đe dọa, rèn cho con người biết khiêm nhường, Vị tha. Luyện võ là con đường đi tìm sự tinh túy của tâm hồn.
Giới võ thuật xưa nay vẫn lưu truyền câu nói “Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”, hàm ý chỉ con nhà võ luôn độc tôn xưng hùng, không chịu ai dù kẻ ấy đứng hàng thứ hai sau mình.
Giới võ thuật xưa nay vẫn lưu truyền câu nói “Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”, hàm ý chỉ con nhà võ luôn độc tôn xưng hùng, không chịu ai dù kẻ ấy đứng hàng thứ hai sau mình.
Việc hợp nhất võ lâm là chuyện vô cùng khó. Đọc Tiếu ngạo giang hồ của tác giả Kim Dung mới thấy đôi khi chỉ vì chút hư danh gọi là minh chủ võ lâm mà một Nhạc Bất Quần bất chấp thủ đoạn tàn độc. Một Lâm Bình Chi vì mối cừu thù tự hủy hoại thân mình (dẫn đao tự cung) để luyện bằng được Tịch tà kiếm pháp. Thế nhưng trong giang hồ cũng có những con người cao thượng, đẹp đẽ thuần phác như Lệnh Hồ Xung với mối tình trong sáng, thơ mộng cùng “ma nữ” Nhậm Doanh Doanh. Nói gần, nói xa như vậy để thấy chuyện các bậc thầy chịu ngồi chung lại dưới một “bầu trời” võ thuật là hết sức nan giải.
Võ cổ truyền Việt Nam xây dựng được một hệ thống, thống nhất được hơn một trăm phái võ trong cả nước là chuyện tưởng chừng như “trong mơ”. Võ sư Lê Văn Lắm, Tổng thư ký Hội Võ cổ truyền TP.HCM, trong một lần luận đàm võ thuật cho rằng: “Có đại nghĩa ắt có đại khí. Vì nghĩa lớn mà mọi người tâm khí tương đồng, chung sức chung lòng làm nên việc lớn”. Việc tuyển chọn các bài võ tiêu biểu được tiến hành cẩn trọng, khách quan và khoa học, hội tụ được tinh hoa võ học nước nhà. Mỗi bài quyền đều có một giai thoại, xuất xứ, có sức sống bền bỉ lâu đời, hàm chứa những đòn thế tuyệt kỹ. Nếu ở các môn võ khác hệ thống quyền đi theo trình tự từ thấp đến cao, thì ở hệ thống võ cổ truyền nếu võ sinh nắm vững nền tảng từ căn bản công có thể luyện tập bất cứ bài võ cao cấp nào một cách dễ dàng.
“Là một đất nước có 54 dân tộc anh em, đa dạng nhưng chung một nền văn hóa, việc tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật chiến đấu, bí thuật dưỡng sinh, khí công của các dân tộc để hình thành các bài võ dưỡng sinh, giúp nâng cao sức khỏe và thể chất của mọi lứa tuổi là mục tiêu hàng đầu. Đối với 18 bài võ thống nhất tiếp tục nghiên cứu phân thế, hoàn thiện cơ sở lý luận”. Đó là những dự định ấp ủ mà võ sư Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch, trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tiết lộ.
Để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của võ cổ truyền, hãy thử nhận diện một vài bài võ. Những bài phổ thông nhiều người biết đến dù chưa tập qua như Lão mai, Ngọc trản (thứ nhất Lão mai, thứ hai Ngọc trản). Lão mai độc thọ nhất chi vinh/Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hành... Bài võ này được phổ biến rộng, có nguồn gốc từ võ Tây Sơn, mô phỏng hình ảnh cây mai già đơn độc nhưng vững chãi, thân thủ pháp khai triển những vòng tròn mềm mại như những cánh hoa rơi rụng trong gió ẩn chứa một uy lực vô song. Các bước tiến thoái biến ảo dị thường với vẻ đẹp đầy sống động. Ngọc trản quyền với lời thiệu Ngọc trản Ngân đài/Tả hữu tấn khai/Thập tự luyện diệp/Liên đả sát túc... ý nghĩa sâu xa, còn nhiều tranh cãi để giải mã hình tượng “chén ngọc trên đài bạc”. Ngọc trản có xuất xứ từ miền đất võ Bình Định, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, gắn liền với nhiều giai thoại. Bài này được tuyển chọn từ môn phái Sa môn võ đạo của lão võ sư Phạm Đình Trọng, tự là Sa Vân Long lừng lẫy một thời.
Võ sư Trương Hùng (trái) và Ngô Bông phân thế Bát quái côn - Ảnh: C.T |
Hùng kê quyền là bài quyền bí truyền, tương truyền được Nguyễn Lữ, một trong Tây Sơn tam kiệt mô phỏng từ thế đánh của gà chọi sáng tạo nên. Đây là bài quyền lạ, có nhiều đòn đánh dũng mạnh, dứt điểm, chiêu thức hiểm hóc. Qua thời gian tưởng chừng bài võ đã thất truyền, bất ngờ tại Hội nghị chuyên môn võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất, lão võ sư Ngô Bông, truyền nhân Hùng kê quyền xuất hiện. Khi ông thi triển quyền công, thần thái linh hoạt, bộ pháp biến ảo đã thuyết phục ngay hội đồng các võ sư. Bài được chọn ngay trong đợt đầu, có sức thu hút mê hoặc đối với nhiều người tập võ. Tại Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Chungju, Hàn Quốc tháng 9.2004, lão võ sư Ngô Bông khi ấy đã 77 tuổi ra đi quyền đã tạo nên tiếng vang lớn với nhiều lời ngợi khen.
Vốn là bài võ trấn môn, Bát quái côn từ lâu chỉ truyền dạy trong dòng tộc họ Trương ở đất Phú Yên. Đây là bài trường côn đánh rộng chống cùng lúc nhiều đối thủ, tấn pháp di chuyển theo đồ hình bát quái. Đặc biệt, kỹ thuật loang côn tới độ tuyệt kỹ, chỉ thấy bóng côn vun vút che phủ làm người xem liên tưởng tới những võ nhân huyền thoại từng múa côn, đao bảo vệ thân mình trước hàng trăm cung thủ xạ tiễn giữa trận tiền. Bát quái côn là bài võ khó, muốn tập luyện thuần thục phải mất nhiều năm mới lĩnh hội nổi. Khi võ sư Trương Hùng lần đầu biểu diễn bài này tại Hội nghị chuyên môn võ cổ truyền lần thứ ba (tháng 4.1995), toàn thể các võ sư trong hội đồng đều đứng dậy vỗ tay. Do các bài võ đều có nét hay độc đáo khác nhau nên không thể xếp hạng thứ bậc, tuy vậy vẫn có thể nhận định đây là bài võ vô cùng đặc sắc.
Bài Lôi long đao do “Đô đốc Võ Văn Dũng nghiên cứu chiêu pháp soạn ra tại vùng đất Tây Sơn Hạ mùa thu năm Mậu Tý (1768). Ông tụ hội, chiêu mộ nhiều trang hào kiệt kéo đến ra mắt anh em nhà Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc tin dùng. Người có công lưu giữ, sao lục bài võ này là đệ tử thứ 8 dòng Hư Minh tên Nguyễn Trung Như, hiệu Hư Linh Ẩn. Đây là loại binh khí dài chỉ dùng cho các vị chỉ huy thời xưa khi ra trận đấu với nhiều quân địch. Muốn tập luyện phải có sức khỏe hơn người, luyện thật nhuần nhuyễn mới sử dụng được”. (Trích Võ cổ truyền Việt Nam).
Có thể nói mỗi bài quyền là một câu chuyện gắn liền với một giai đoạn lịch sử, chứa đựng những nội hàm uyên thâm mà ông cha đã gửi gắm lại. Giữ gìn và phát huy võ cổ truyền chính là làm sáng tỏ hơn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cao Thụ
Nhận xét
Đăng nhận xét