Chuyển đến nội dung chính

Ngọc Trản quyền

Bài Ngọc Trản Quyền
Lão võ sư Phạm Đình Trọng
Thị phạm võ sư Phạm Thanh Hùng
Ngọc trản ngân đài (chén ngọc trên đài bạc) hay Ngọc trản quyền, là bài quyền được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với Đại học Thể dục Thể thao tổ chức tại Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 26 tháng 4 năm 1995, bình chọn, thống nhất đưa vào chương trình quy định chung của tất cả các võ phái cổ truyền trên toàn quốc. Hội nghị lần này, ngoài bài quyền nói trên, cũng chọn thêm được 2 bài khác là Bát quái côn và Huỳnh long độc kiếm, nâng tổng số các bài được chọn qua ba hội nghị lên 9 bài (4 bài tại hội nghị lần 1 tổ chức năm 1993 là Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao, Roi Thái Sơn; 2 bài tại hội nghị lần 2 năm 1994 là Lão mai quyền, Siêu xung thiên)
Lịch sử
Đây là một bài quyền với những kỹ thuật tiêu biểu cho võ thuật cổ truyền dân tộc và là bài chính thống, đặc trưng của đất võ Bình Định. Không ai biết bài quyền Ngọc Trản có từ bao giờ và xuất xứ ở đâu, nhưng theo lưu truyền trong dân gian, bài quyền này nguyên khởi từ võ phái An Vinh của võ sư Hương Mục Ngạc. Trong quá trình tìm tư liệu để nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng võ cổ truyền Bình Định, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bài thiệu quyền Ngọc trản trong gia phả họ Trương ở Phù Mỹ.

Đặc điểm
Ngọc trản ngân đài khai thác các tư thế nghịch tréo của bộ pháp kết hợp với sự dịch chuyển trọng tâm liên tục. Để thực hiện thăng bằng được tốt, các tư thế di chuyển trong bài quyền được biến hoá thật linh hoạt, khi thì mặt chân bối (chân trụ) được tạo trước rồi trọng tâm mới di chuyển, lúc thì di chuyển trọng tâm trước rồi mới tạo mặt chân bối sau, nên thấy vững mà không, không mà vững, lảo đảo ngả nghiêng như người say rượu. Hơn nữa chính thân pháp ngả nghiêng đã tạo đà tốt cho thủ pháp, hai tay hoạt động đồng bộ, hòa quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn làm tăng thêm uy lực cho động táctấn công và thêm kín đáo cho việc phòng thủ.
Đặc trưng bài quyền thể hiện uy lực của bài: tấn công công phu, toàn diện, chắc đòn, kết hợp nhu cương đúng lúc, đúng chỗ. Phòng thủ kín đáo với những thế né tránh, phản đòn lợi hại. Thân pháp nhẹ nhàng, linh hoạt khi di chuyển, và ra đòn vững chắc, mạnh mẽ khi đứng trụ. Bộ tay dữ dội, nhanh, chính xác, có lúc vờ như thủ để đánh lừa đối phương, hay dụ đối phương với thế vây hãm để tiêu diệt theo dạng "hư hư thực thực".
Ý nghĩa
Chén ngọc trên đài bạc, vậy ẩn ý của người xưa khi đặt tên bài quyền và lời thiệu của bài quyền này thế nào, hiện có những giải thích khác nhau. Võ sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Võ công và chén rượu, hình như có sự gắn bó ngàn đời. Trước khi lên đường ra chiến trận, được vua ban ngự tửu chúc kỳ khai đắc thắng, lúc ca khúc khải hoàn cũng được vua đón tận cổng thành, tự tay rót rượu mừng mã đáo công thành. Hoặc việc chinh chiến, không về cũng thường tình như uống chén rượu vậy thôi.
Tuy nhiên, võ sư Hồ Bửu, giám đốc Võ đường Tây Sơn-Bình Định tại Mỹ, một trong những học trò của hai võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn nhân đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh), lại tìm ý nghĩa của bài quyền Ngọc Trản từ những liên tưởng khác.
Võ sư Hồ Bửu cho rằng: Bài Ngọc Trản, có câu mở đầu Ngọc Trản ngân đài, tả hữu tấn khai. Ngọc trản (chén ngọc, chén nhỏ uống rượu hay trà), ngân đài (đĩa bạc có chân dùng để đặt trái cây cúng). Nhà của người Việt, hầu hết đều có một bàn thờ tổ tiên ông bà. Trên bàn thờ ấy, phía trước là cặp chân đèn cầy, chính giữa là một cái lư hương. Kế đến phía trong, và trước bài vị là lục bình cắm hoa, một đĩa bằng bạc có chân, người Bình Định gọi là cổ bồng, đặt trái cây, và bộ tách trà hay một nậm rượu với những chén ngọc nhỏ nhắn xinh xinh. Gia đình giàu có thì chén ngọc đũa ngà, cổ bồng bằng bạc; còn nhà nghèo khó cũng cố gắng lựa một bộ chén và cái đĩa đựng trái cây đẹp nhất, mà với họ quý như ngọc như ngà, để cúng kiến ông bà. Chén ngọc và đĩa bạc là hai vật thể làm sao có thể khai mở tiến ra bên trái bên phải? Thực ra câu thiệu này ngụ ý nói tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để xây đắp ngôi nhà và đất nước Việt Nam... Vậy điều đầu tiên của người học võ là phải biết tri ân các bậc tiền nhân và phải noi gương dấn thân bảo vệ non sông để Tổ quốc này mãi mãi trường tồn.
Click vào hình bên dưới để xem Clip
Lời thiệu
Mặc dù vẫn có câu điệp vần, 28 câu lời thiệu của bài vẫn cho thấy đây không hoàn toàn là một bài thơ:
Ngọc trản ngân đài
Tả, hữu tấn/tiến khai thập tự
Liên diệp liên hoa
Đả sát túc, tọa, hồi mai phục
Tấn/tiến đả tam chiến
Thoái/thối thủ nhị linh
Hoành tả, tọa, bạch xà lan lộ
Hữu hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ
Tả hoành sát thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Hồi tàng địa hổ
Song phi, triển dực
Hạ bàn đoản đả
Hồi tiễn tọa khai cung
Huỳnh long quyển địa
Tấn đả song quyền
Hoành tả, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn/tiến đả song quyền
Hoành hữu, phục hạc khai linh
Trực tiền quyển địa
Tấn, đả song quyền
Hướng, hậu đả thập tự
Diện tý
Hồi, tẩu mã giang tiên
Bái tổ, lập như tiền
Dịch nghĩa:
Chén ngọc đài bạc
Tiến, mở thế thập tự bên trái và bên phải
Liền lá liền hoa
Đánh sít chân, tọa thế "hồi mai phục"
Tiến, đánh ba bận
Lui, hai tay sắc sảo
Xoay trái, tọa thế "Bạch xà lan hộ" (con rắn trắng qua đường cỏ)
Chém ngang bên phải bằng thế "thanh long biên giang" (con rồng xanh trên bờ sông)
Thế cha con nương tựa nhau
Hoành bên phải, tọa thế "Bạch xà lan hộ" (con rắn trắng qua đường cỏ)
Hoành bên trái quét thế "thanh long biên giang" (con rồng xanh trên sông bên)
Thế cha con nương tựa nhau
Trở về thế rắn hổ đất núp
Đá song phi (hai chân bay) rồi thế chim cuốn cánh
Đánh vắt mâm dưới
Về, tọa, xổm mở cánh cung
Thế rồng vàng cuốn đất
Tiến đánh hai đấm
Xoay trái, thế "phục hạc khai linh" (chim hạc phơi cánh).
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Xoay phải, thế "phục hạc khai linh" (chim hạc phơi cánh)
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Chuyển phía sau đánh thế chữ thập
Mặt nhìn hướng tý (hướng Bắc)
Trở về thế "tẩu mã giang tiên" (ông tiên ruổi ngựa trên sông)
Bái tổ, đứng như trước
Ngoài lời thiệu kể trên, tại nhiều võ phái như Tân Khánh Bà Trà, Huỳnh Long pháiVovinam v.v. còn nhiều dị bản khác của lời thiệu, trong đó dị bản sau cũng rất phổ biến:
Ngọc trản ngân đài, tả hữu tấn/tiến khai
Thập tự liên ba, đả sát túc
Tả hồi mai phục, tấn/tiến đả song quyền
Hồi phạt địa hồ, hữu ban loan đả
Tấn đả tam chiêu, thối/thoái thủ nhi binh
Hoành hữu tọa, phụ tử tương phùng
Lạc mẫu phùng phi, tương tự cấp thích
Thanh long tiến giang, bạch xà hoành sát
Lục hoạt khai binh, song phi chuyển địa
Hồi mã loan thanh, tấn lập như tiên
Dịch nghĩa:
Chén ngọc trên đài bạc, tiến mở bên trái và phải
Những đợt sóng liên tiếp chữ thập, đánh triệt phần chân
Quay về phía trái mai phục, tiến đánh bằng song quyền
Về trị chồn đất, chuyển phải đánh liên tiếp
Tiến đánh ba mặt, hay lui về thủ cũng là cách dùng binh
Xoay về phải ngồi, cha con gặp lại
Lạc mẹ rồi lại tương phùng, đánh nhanh như trước
Như rồng xanh vượt sông, rắn trắng đánh ngang
Sáu lần mở đường ra quân, đổi hướng đá song phi
Trở về nhạc ngựa reo vang, về vị trí cũ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bạch Hạc Sơn Quyền

Bạch hạc sơn quyền mô phỏng các thế tấn pháp, bay lượn uyển chuyên của loài Hạc, bài quyền thể hiện được sự mềm mại trong tư thế hiên ngang... Bạch hạc sơn quyền là bài quyền của môn phái Quyền thuật tự do thuộc Võ thuật cổ truyền Việt Nam do võ sư Đinh Văn Lớn đơn vị tỉnh Vĩnh Long thị phạm giới thiệu và được Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc bình chọn vào tháng 12 năm 2007 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Ḥòa. BẠCH HẠC SƠN QUYỀN Đầu tiên bái tổ, kính sư, Bạch hạc ra bộ, thôi sơn tấn liền, Thăng thiên phượng dực xoay tròn, Kim tiêu hồi bộ, song đao, xỉa tiền, Thần cung xa tiễn, tấn tiên, Cước ngang bộ phượng, bay lên móc liền, Đăng sơn hữu tả xỉa nghiêng, Bạt phong cước tới, song phi phượng hoàng, Quét chân, hoành toạ đăng sơn, Hồi thân phượng dực, xoay tròn thôi sơn, Đăng sơn tả, hữu quy hình, Thôi sơn tấn tiếp, cước ngang trảm xà, Xoay người vươn bộ đăng sơn, Cước ngang phi tới, xoay thân kính chào.  Hạc là loài bay lượn giỏi, t...

Thanh Long Kiếm

Thanh long độc kiếm là bài binh khí của Võ phái Thanh long võ đạo, do Võ sư Lê Kim Hòa giới thiệu và võ sư Hà Thị Yến Oanh thị phạm, được Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc bình chọn năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh và chính thức phổ biến huấn luyện tại Lớp tập huấn Huấn luyện viên Võ cổ truyền toàn quốc từ ngày 15 đến 21 tháng 12 năm 2008 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Võ sư Lê Kim Hòa sinh ngày 05 tháng 4 năm 1951 tại Phú Yên, là Chưởng môn sáng lập Võ phái Thanh long võ đạo vào ngày 01 tháng 01 năm 1970. Thanh long võ đạo thuộc dòng võ Tây Sơn - Bình Định - Việt Nam. Võ phái Thanh long võ đạo phát triển trong nước và nước ngoài, nhiều nhất ở Nga và mới đây tại Pháp do huấn luyện viên Huỳnh Xuân Yên phụ trách. Ngoài hoạt động võ phái, Võ sư Lê Kim Hòa hiện là Chủ tịch Hội Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch kiêm trưởng ban chuyên môn - kỹ thuật Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam.   Nữ võ sư Hà Thị Yến Oanh là đệ tử của ...